Danh sách các loại nhạc cụ truyền thống Triều Tiên Âm_nhạc_Triều_Tiên

Bộ dây

Nhạc cụ bộ dây của Hàn Quốc bao gồm những loại được gảy, kéo và gõ. Hầu hết các nhạc cụ bộ dây của Hàn Quốc đều sử dụng dây tơ se. Một số nhạc cụ truyền thống có ảnh hưởng từ Trung Hoa

Gảy

Đàn tranh geomungo 6 dây
  • Gayageum (Hangul: 가야금; Hanja: 伽倻琴: Hán Việt: Già da cầm): Đàn tranh truyền thống của Triều Tiên có con nhạn anjok hình chân ngỗng (chữ nhân 人) với số lượng dây từ 12, 15, 17, 18, 21 (Bắc Triều Tiên), 25.
  • Geomungo (hangul: 거문고): Một cây đàn tranh có âm sắc trầm với 6 đến 11 dây tơ bện dày (11 dây là loại hiện đại với 8 con nhạn anjok) được gảy bằng một thanh tre và tay chắn dây được đeo bằng miếng giả da đút vào ngón trỏ. Mặt đàn gồm 16 phím tre lớn nhỏ và 3 con nhạn anjok
  • Cheolhyeongeum (Hangul: 철현금; Hanja: 鐵絃琴; Hán Việt: Sắt huyền cầm): Loại đàn tranh Geomungo cải biên từ cây đàn ghi-ta của Hawaii vào năm 1940. Nghệ sĩ tay phải dùng que gẩy Suldae gẩy dây đàn, tay trái dùng miếng ngọc Nongok ấn vào dây đàn và kéo trượt lên dây để tạo ra những âm thanh đặc sắc, mê hoặc. Nó cũng được dùng để kéo với cung vĩ violin
  • Daejaeng (Hangul: 대쟁; Hanja: 大筝; Hán Việt:Đại tranh): Đàn tranh cổ 15 dây lớn hơn một chút so với đàn tranh gayageum; nó đã được sử dụng trong thời Cao Ly. Ngày nay ít khi được sử dụng nhưng nó là tiền đề phát triển dòng đàn tranh sử dụng vĩ kéo Jeongak Ajaeng. Trong khi Daejaeng có 15 dây thì Jeongak Ajaeng vỏn vẹn có từ 7 tới 10 dây.
  • Seul (Hangul: 슬; Hanja: 瑟; Hán Việt: sắt): Đàn tranh cổ gồm 25 dây có nguồn gốc từ đàn sắt Trung Hoa. Nó chỉ được dùng trong Nhã nhạc (tế lễ Tông miếu)
  • Geum (Hangul: 금; Hanja:琴): Đàn cổ cầm truyền từ Trung Hoa, nó chỉ được dùng trong Nhã nhạc (tế lễ Tông miếu). Không như cổ cầm Trung Hoa, geum Triều Tiên chơi bằng cách tay trái chặn dây vào cầm huy còn tay phải giật nhẹ dây
  • Bipa (Hangul: 비파 ; Hanja: 琵琶): Đàn tỳ bà Trung Hoa du nhập vào Triều Tiên thời Cao Ly gồm 2 loại, gồm hyang-bipa (Hương tỳ bà 향비파 / 鄕琵琶) 5 dây và dang-bipa (Đường tỳ bà 당비파 / 唐琵琶) 4 dây.
  • Wolgeum (hangul: 월금; hanja: 月琴, Hán Việt: nguyệt cầm): Đàn nguyệt cổ với cần dài gồm 4 dây và 13 phím. Đầu đàn hình lá liễu nhọn, hốc luồn dây có 4 chốt chỉnh dây; cần đàn dài và thẳng. Nó được tìm thấy trong các bức tranh tường của Cao Câu Ly và được sử dụng trong âm nhạc truyền thống, cùng với đàn Hyang bipa (Hương tỳ bà), đàn tam thập lục yanggeum và sáo trúc dọc danso trong dàn nhạc Hyangak (hương nhạc Triều Tiên).
  • Sogonghu (hangul: 소공 후; hanja: 小箜篌; nghĩa đen là "đàn hạc nhỏ")
  • Sugonghu (hangul: 수공후; hanja: 豎箜篌; nghĩa đen là "đàn hạc dọc")
  • Wagonghu (hangul: 와공후; hanja: 臥箜篌; nghĩa đen là "đàn hạc nằm ngang")
  • Ongnyugeum (Hangul: 옥류금; Hanja: 玉流琴; Hán Việt: ngọc lưu cầm): Đàn zither Bắc Triều Tiên với 33 dây nylon bọc thép
  • Oungum (hangul: 어은금): Đàn mandolin Bắc Triều Tiên có cần thẳng và 4 hoặc 5 dây với thùng đàn hình quả bầu hồ lô bổ dọc

Kéo

Đàn nhị HaegeumĐàn tranh dùng vĩ kéo Ajaeng
  • Haegeum: (Hangul: 해금; Hanja:奚琴, Hán Việt: hề cầm): Đàn nhị Triều Tiên có bát nhị tròn nhỏ làm từ ống tre và bịt bằng da chó mèo hay miếng gỗ mỏng dán mặt trước bát nhị còn mặt sau để nguyên, dọc nhị hay còn gọi là cán nhị, có gốc cắm xuyên qua lưng bát nhị. Đàn nhị Haegeum chỉ có 2 dây được gắn song song với dọc nhị. Dây đàn được bện bằng bờm ngựa hoặc lông đuôi ngựa. Người chơi đặt bát nhị trên đầu gối, tay trái nắm dọc nhị, tay phải cầm cung vĩ kéo, để dây của cung vĩ cọ sát vào các dây đàn tạo ra âm thanh. Cử nhị Haegeum cũng khác biệt, nó không buộc vào cần đàn mà buộc thắt chéo lên phía 2 trục vặn. Cần đàn cong khác với các loại hồ cầm khác nên có 1 sự đàn hồi nhất định. 2 trục vặn được làm rất to, tay nắm thành hình tròn, xẻ rãnh rồi khoan lỗ rồi quấn dây vào đó.
  • Sohaegeum (hangul: 소해금; hanja: 四奚琴; Hán Việt:tứ hề cầm): Đàn vĩ cầm bốn dây (Bắc Triều Tiên). So với Nam Hàn thì tứ hề cầm sử dụng cung vĩ rời như violin.
  • Ajaeng (hangul: 아쟁; hanja:牙箏; Hán Việt: nha tranh): đàn tranh bản rộng với dây làm bằng dây thừng mảnh bện từ tơ, được kéo bằng cành cây gaenari phủ nhựa thông hay cung lông ngựa. Nó có nguồn gốc từ đàn yết tranh Trung Hoa. Loại dành cho jeongak có cấu tạo giống với đàn tranh Dajaeng, còn loại dành cho dòng sanjo thùng đàn to hơn. Đàn tranh Sanjo Ajaeng có kích cỡ chỉ bằng một phần hai chiếc đàn tranh Ajaeng truyền thống, dây đàn cũng được bện mảnh hơn.

Bộ thổi

Sáo, tiêu

Sáo ngang Daegeum
  • Daegeum (hangul: 대금; hanja: 大笒, Hán Việt: đại linh): Sáo trúc ngang lớn Daegeum của Hàn Quốc thường được so sánh với sáo Flute của phương Tây. Khác với âm sắc thanh cao của sáo Flute, âm thanh của sáo trúc ngang lớn Daegeum tuy hơi thô, nhưng kỳ bí và lôi cuốn. Giữa huyệt thổi và huyệt lỗ bấm có một huyệt dán màng gọi là Cheonggong. Màng dán này rất mỏng, được làm bằng màng ruột cây lau sậy và được gọi là Cheong. Khi thổi, hơi sẽ chạy qua ống sáo làm rung màng dán tạo nên những âm thanh có âm sắc độc đáo của cây sáo trúc ngang lớn Daegeum.
  • Junggeum (hangul: 중금; hanja 中笒; Hán Việt:trung linh): sáo cỡ trung cùng loại với Daegeum
  • Sogeum (hangul: 소금; hanja:小笒; Hán Việt: tiểu linh): Cùng họ với sáo ngang như Daegeum, Junggeum nhưng không có màng dán ở lỗ thổi.
  • Ji (hangul: 지; hanja: 篪; Hán Việt: trì): Là loại sáo trúc cổ ngang với lỗ thổi có khía lồi và năm lỗ ngón (một ở đằng sau và bốn ở đằng trước), có nguồn gốc từ sáo trì Trung Hoa. Chỉ được sử dụng trong Nhã nhạc và Tế lễ Văn miếu (âm nhạc nghi lễ Nho giáo Hàn Quốc)
  • Danso (hangul: 단소; hanja: 短簫; Hán Việt: đoản tiêu): Sáo trúc ngắn Danso có âm thanh gần giống sáo trúc nhỏ Sogeum, vừa nhỏ gọn vừa dễ thổi nên đã được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học.Tuy chỉ có 5 lỗ bấm, không có âm thanh đa dạng nhưng sáo trúc ngắn Danso lại phù hợp với dòng nhạc phong lưu như các làn điệu dân ca Minyo.
  • Tungso (hangul: 퉁소; hanja: 洞簫, Hán Việt: đỗng tiêu): sáo dọc phổ biến từ thời Cao Ly (thế kỷ X - XIV). Lỗ thổi của nó cũng tương tự như Daegeum và Junggeum
  • Yak (hangul: 약; hanja: 籥, Hán Việt: thược): sáo dọc 3 lỗ dùng trong Tế lễ Văn miếu
  • Jeok (hangul: 적; hanja: 篴; Hán Việt: địch): sáo dọc 5 lỗ chỉ được dùng trong Tế lễ Văn miếu
  • So (hangul: 소; hanja: 簫; Hán Việt: tiêu): sáo ống dùng trong Tế lễ Văn miếu. Nó là loại sáo có ảnh hưởng từ sáo bài tiêu Trung Hoa
  • Hun (hangul: 훈; hanja: 塤; Hán Việt: huân/huyên): sáo đất cổ ảnh hưởng từ sáo huân Trung Hoa. Trước nó từng sử dụng trong nhạc Tế lễ Văn miếu nhưng ngày nay vẫn có ít người sử dụng trong nhạc Triều Tiên và Hàn Quốc đương đại.

Kèn và khèn

  • Piri (hangul: 피리; hanja: 觱篥; Hán Việt: tất lật): Kèn với thân từ ống nứa khoét 7 lỗ to cỡ ngón tay, dài khoảng từ 20~30 cm và mỏ kèn Kyeopseo làm từ vỏ cành liễu. Kèn nứa Piri chủ yếu có 3 loại là kèn nứa Hương Hyangpiri (향 피리), kèn nứa Đường Dangpiri (당 피리) và kèn nứa Tế Sepiri (세 피리).

Kèn nứa hương Hyangpiri là nhạc khí được chơi trong các dòng nhạc truyền thống của Hàn Quốc từ nhạc cung đình Gungjungeumak, nhạc phong lưu của giới học giả Pungryueumak đến nhạc dân gian Minsokak. Còn chữ “Đường” trong tên gọi của cây kèn nứa Dangpiri ám chỉ kèn tất lật nhà Đường ở Trung Hoa. Vốn dĩ cây kèn Dangpiri thường được dùng để tấu các nhạc phẩm Trung Hoa. Nhưng ở Hàn Quốc, kèn nứa Dangpiri còn được dùng để chơi cho một số nhạc phẩm cung đình của Hàn Quốc. Còn kèn nứa tế Sepiri do có âm thanh nhỏ nên thường là nhạc khí chơi đệm cho đàn huyền cầm tại những gian phòng phong lưu Pungryubang là nơi giới trí thức thời xưa tụ tập nghe nhạc, vẽ tranh, làm thơi và tranh luận bình phẩm.Một loại khác là Daepiri (대 피리) được dùng ở Bắc Triều Tiên với âm thanh trầm. Một loại kèn piri đôi gọi là Ssang piri (쌍 피리)

  • Taepyeongso(hangul: 태평소; hanja: 太平簫; Hán Việt: thái bình tiêu; cũng gọi là hojeok, saenap hoặc nallari): kèn bầu của Hàn Quốc dùng trong nhạc Đại xuý đả,nông nhạc và dùng trong tang lễ
  • Saenghwang (hangul: 생황; hanja: 笙簧, Hán Việt: sanh hoàng): khèn (ống sênh) truyền thống của Triều Tiên có xuất xứ từ Trung Hoa. Nó là một loại khèn đa âm gồm 17 ống trúc ghép vào nhau và được yêu thích ngày càng phổ biến như một nhạc cụ độc tấu ngày nay, trước đây nó dùng trong Hương nhạc hay nhạc Tế lễ Tông miếu

Nhạc cụ bằng kim loại

  • Pyeonjong (hangul: 편종; hanja: 編鐘, Hán Việt: biên chung): dàn chuông đá gồm 16 chuông có kích cỡ khác nhau gõ bằng búa từ Trung Hoa truyền sang Triều Tiên từ thời Cao Ly. Nó được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Teukgjong (hangul: 특종; hanja: 特鐘, Hán Việt: đặc chung): Chuông đơn âm lớn được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Pyeongyeong (hangul: 편경; hanja: 編磬, Hán Việt: biên khánh): dàn khánh đá gồm 16 chiếc lớn nhỏ hình chữ L gõ bằng búa từ Trung Hoa truyền sang Triều Tiên từ thời Cao Ly. Nó được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Teukgyeong (hangul: 특경; hanja: 特磬, Hán Việt: đặc khánh): Khánh lớn đơn âm được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Banghyang (hangul: 방향; hanja: 方響, Hán Việt: phương hưởng): đàn phím metallophone cổ với 16 phím làm từ thép trên giá treo cố định gõ bằng búa nhỏ từ Trung Hoa truyền sang Triều Tiên từ thời Cao Ly. Nó được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Ulla(hangul: 운라; hanja: 雲鑼 or 雲羅, Hán Việt: vân la): một bộ chiêng có kích cỡ khác nhau được giữ trong giá treo cố định gõ bằng búa nhỏ từ Trung Hoa truyền sang Triều Tiên từ thời Cao Ly. Nó được sử dụng trong Tế lễ Tông miếu
  • Jing (hanja:징): Chiêng lớn được sử dụng trong Quân nhạc Đại xuý đả, pungmul và samul nori
  • Bu (hangul: 부; hanja: 缶; Hán Việt: phẫu): một chiếc chum gốm thấp bên trong có tráng lớp đồng đỏ. Nó được chơi bằng cách gõ lên thành chum 3 hồi 9 tiếng để đánh dấu sự bắt đầu của một bản nhạc hay các lễ tế của Nho giáo.
  • Kkwaenggwari (hangul: 꽹과리): chiêng nhỏ có dùi được sử dụng trong dân ca, pungmul và samul nori

Nhạc cụ làm từ gỗ

Phách Hàn QuốcMõ ngữ Hàn Quốc
  • Bak (hangul: 박; hanja: 拍; Hán Việt: phách): nhạc cụ gồm 6-8 lá phách gỗ được lồng vào nhau bằng lò xo và gắn dây trang trí. Nó được sử dụng trong Nhã nhạc Triều Tiên, được sử dụng bằng cách dùng hai tay cầm 2 lá phách đầu và cuối ép chặt vào các thanh phách còn lại gõ cho kêu và gõ 2 lần để mở đầu hay kết thúc bản nhạc.
  • Chuk (hangul: 축; hanja: 柷, Hán Việt: chúc): là một nhạc cụ gõ được sử dụng trong âm nhạc nghi lễ triều đình Nho giáo của Trung Hoa cổ đại truyền bá tới Triều Tiên thời Cao Ly. Nó bao gồm một hộp gỗ (thường được sơn màu đỏ hoặc trang trí khác) thon từ trên xuống dưới, và được chơi bằng cách cầm một thanh gỗ thẳng đứng và đánh vào mặt dưới. Nhạc cụ được sử dụng để đánh dấu sự khởi đầu của âm nhạc trong Tế lễ Tông miếu
  • Eo (hangul: 어; hanja: 敔; Hán Việt: ngữ): là loại mõ bằng gỗ được chạm khắc hình con hổ với phần lưng có răng cưa gồm 27 "răng", được sử dụng từ thời cổ đại ở Trung Hoa truyền tới Triều Tiên thời Cao Ly cho âm nhạc nghi lễ triều đình Nho giáo. Nó được chơi bằng cách đánh vào đầu ba lần bằng một cây roi tre được tước ra 15 mẩu phần đầu, và sau đó quét nó qua lưng răng cưa một lần để đánh dấu sự kết thúc của một bản nhạc trong lễ tế Tông miếu .

Các loại trống

Trống buk
  • Buk: trống lớn sử dụng chủ yếu trong ả đào pansori (Sori-buk 소리북), pungmul(Pungmul-buk-풍물북) và samulnori. Thuật ngữ buk cũng được sử dụng trong tiếng Hàn như một thuật ngữ chung để chỉ bất kỳ loại trống nào.
  • Janggu or Janggo (hangul: 장구 hoặc 장고; hanja: 杖鼓 hoặc 長鼓, Hán Việt: trượng cổ): trống có dạng đồng hồ cát từ trống yết cổ Trung Hoa du nhập; phần giữa nhỏ thắt lại, hai đầu là mặt trống tròn, căng và phần được gõ bằng dùi trống làm bằng thanh tre vót mỏng. Nó cũng được du nhập vào Nhật Bản được gọi là Kakko
  • Jingo (hangul: 진고; : 晉鼓, Hán Việt: tấn cổ): trống lớn dùng trong Tế lễ Tông miếu
  • Jeolgo (hangul: 절고; hanja: 節鼓; Hán Việt: tiết cổ): trống dùng trong Nhã nhạc. Nó có xuất xứ từ Trung Hoa truyền bá vào Triều Tiên thời Joseon
  • Jwago (hangul: 좌고; hanja: 座鼓, Hán Việt: toả cổ): Trống trận treo trên giá gỗ
  • Gyobanggo (hangul: 교방고; hanja: 敎坊鼓, Hán Việt: giáo phường cổ): Loại trống dẹt cỡ lớn kê lên kiềng gỗ 4 chân, xung quanh mặt trống có vẽ hoạ tiết rồng. Ban đầu được sử dụng trong âm nhạc liên quan đến Đường nhạc, ngày nay nó được sử dụng cho điệu nhảy mugo (hangul: 무고; hanja:舞鼓,Hán Việt: vũ cổ). Đây là loại trống được sử dụng ở Trung Hoa vào thời nhà Đường, ở Hàn Quốc, nó đã được sử dụng từ thời Cao Ly
  • Sogo (hangul: 소고; hanja: 小鼓, Hán Việt: tiểu cổ): trống dẹt có cán cầm gõ bằng dùi mỏng. Thường được sử dụng trong các điệu múa truyền thống
  • Nogo (Hangul: 노고; Hanja: 路鼓, Hán Việt: lạc cổ): bộ 2 trống dài có phần tang nằm ngang sơn màu đỏ xếp chéo chồng lên nhau, cắm xuyên bởi cột gỗ treo trên giá. Nó được dùng trong nhạc Tế lễ Tông miếu.
  • Nodo (hangul: 노도; hanja: 路鼗, Hán Việt: lạc đào): bộ hai cái trống nhỏ trên cây sào được lắc để chơi; đầu cây sào có khắc con chim xoè cánh. Nó được sử dụng trong nghi lễ và âm nhạc cung đình của Hàn Quốc.

Các nhạc cụ khác

Kèn nabal
  • Nabal (hangul: 나발; hanja: 喇叭, Hán Việt: lạt bá): kèn đồng dài dùng trong quân nhạc, thổi lên để truyền hiệu lệnh. Nó được dùng trong nhạc Đại xuý đả và trước khi du nhập vào Triều Tiên, đây là loại kèn hiệu xuất xứ từ Trung Hoa
  • Nagak (hangul: 나각; hanja: 螺角, Hán Việt: loa giác): tù và làm từ vỏ ốc xà cừ loại lớn được dùng trong nhạc Đại xuý đả

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Âm_nhạc_Triều_Tiên http://210.95.200.103/BookData/200007/index.htm http://www.everyculture.com/East-Southeast-Asia/Ko... http://generacionkpop.com/ http://kpopradiopdm.com/ http://www.soompi.com/news/scoops/1 http://www.culture-arts.go.kr/english/contents/con... http://www.korea.net/korea/kor_loca.asp?code=H0101 http://www.shinurl.org/what-is-pungmul/minyo https://books.google.co.kr/books?id=02rFSecPhEsC&p... https://books.google.co.kr/books?id=76fAGdFW8fgC&p...